Giới thiệu tổng quan – xã An Phú, Tp Hải Phòng

1- Vị trí địa lý:

An Phú là một trong 114 xã, phường, đặc khu của thành phố Hải Phòng, nằm ở phía Tây của thành phố. Xã An Phú giáp các xã Nam Sách, xã Trần Phú, phường Ái Quốc, phường Lê Đại Hành, xã Nam An Phụ, xã Lai Khê.

 - An Phú có diện tích tự nhiên 27,25 km²quy mô dân số 35.121 người, được hình thành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 10,31 km², quy mô dân số 13.585 người của xã An Phú (trước khi sắp xếp); toàn bộ diện tích tự nhiên 6,44 km², quy mô dân số 9.477 người của xã An Bình và một phần diện tích tự nhiên 10,50 km², quy mô dân số là 12.059 người của xã Cộng Hòa (trước khi sắp xếp). 

- An Phú nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai được hình thành bởi sự bồi lắng phù sa của các sông Kinh Thầy và Lai Vu. Địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc thâm canh trong sản xuất nông nghiệp và phát triển một số ngành nghề khác. Toàn xã có 20 thôn.

2- Giao thông:

Xã An Phú có Quốc lộ 37 chạy qua, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. An Phú có hệ thống giao thông rất thuận lợi: Quốc lộ 37, rất gần quốc lộ 5A, có trục đường đông tây, đường 5b chạy qua và có đường thuỷ của 2 con sông lớn là Kinh Thầy, Lai Vu thuận lợi trong giao thương hàng hóa và lưu thông của người dân.

3- Lịch sử hình thành:

Vùng đất An Phú nằm trong địa danh Nam Sách có từ thế kỷ thứ X; đến thế kỷ XIX xuất hiện tên gọi An Phú. Từ “An” nghĩa là yên ổn, bình an, hòa bình, yên lành. “Phú” là giàu có, sung túc, thịnh vượng. “An Phú” là một cụm từ thể hiện mong ước về một cuộc sống an lành, giàu có, sung túc và hạnh phúc.

4- Phát triển kinh tế

- Nghề lao động chính của người dân An Phú là sản xuất nông nghiệp. Trước đây có nhiều nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng: nghề làm nồi, ấm đất nung ở làng Lâm Xuyên (làng Quao). 

- Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá với nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như vùng sản xuất cà rốt vùng bãi màu; nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy, sông Lai Vu. 

 - Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá. Nhiều Doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; khu công nghiệp An Phát 1 hiện đang thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

5- Văn hóa

Vùng đất Nam Sách xưa, trong đó có xã An Phú là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt", có truyền thống hiếu học và khoa bảng, là nơi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều nhân tài lỗi lạc, nhiều danh nhân văn hoá của quê hương, đất nước. Tỉnh Hải Dương có 10 vị trạng nguyên, thì Nam Sách có 5 vị, gồm:

- Thủ khoa Minh kinh bác học Mạc Hiển Tích (1086), người Long Động, Nam Tân;

- Trạng nguyên Trần Quốc Lặc (1256) người Uông Hạ, Minh Tân;

- Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1304) người Long Động, Nam Tân;

- Trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh (1487) người Đồng Khê, An Lâm;

- Trạng nguyên Vũ Dương (1493) người Mạn Nhuế, Thanh Lâm.

 Qua các triều đại phong kiến là huyện có số người đỗ tiến sĩ nhiều nhất cả nước, tới 125 tiến sĩ nho học.

6- Truyền thống cách mạng

An Phú là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Qua các cuộc kháng chiến, hàng trăm người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh, hàng trăm thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh; người nhiễm chất độc hóa học; nhiều Bà Mẹ được nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

 Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến, xã Cộng Hòa (nay là một phần của xã An Phú) và 3 cá nhân vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân gồm:

- Liệt sỹ Đỗ Chu Bỉ: Thôn An Lương, xã An Lâm (nay là xã An Phú).

- Đặng Đức Song: Thôn Chi Đoan, xã Cộng Hoà (nay là xã An Phú).

- Liệt sĩ Lê Văn Nhân: Thôn Kim Bảng, xã Phú Điền (nay là xã An Phú).

7- Tôn giáo:

Trên địa bàn xã hiện có 02 tôn giáo (Phật giáo và Công giáo) hoạt động được pháp luật công nhận. Bà con lương giáo đoàn kết, chung sống hài hòa trong cộng đồng xã hội.

8- Về tổ chức đảng, đảng viên

Đảng bộ xã An Phú chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2025, Đảng bộ xã có 39 tổ chức cơ sở Đảng (gồm 4 Đảng bộ trực thuộc và 35 Chi bộ cơ sở, trong đó có 20 chi bộ nông thôn), với tổng số 1493 đảng viên.

 

Xã An Phú
QR Code
image advertisement
image advertisement
Tin mới
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0